Ca dao: “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”, “Ai về mua vại Hương Canh, Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”, “Kẻ Dưng đi bán cá con, Kẻ Cánh nung chĩnh, nung lon, nung nồi”
Kẻ Cánh là tên Nôm của xã Hương Canh (huyện Bình Xuyên – tỉnh Vĩnh Phúc) thời Hậu Lê, nơi có phiên chợ Cánh nổi tiếng mỗi tháng họp 12 phiên, cũng là địa điểm đặt làng gốm cổ truyền nức tiếng bao đời.
Lịch sử – xuất xứ sản phẩm: Làng gốm Hương Canh có tuổi đời hơn 300 năm, giữ được nét tinh túy truyền thống của cha ông. Mọi sản phẩm được làm từ đất sét xanh và đất sét nâu, đặc trưng thổ nhưỡng của địa phương, gốm sành Hương canh nức tiếng bởi vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc và có độ bền cao.
Nguyên liệu: Đất sét nâu là đất sét nằm dưới bề mặt ruộng cây lúa là 50cm tới 1m5, từ 1m5 xuống tới 6m là lớp đất sét xanh. Đất sét nâu có tác dụng làm cứng xương của gốm, đất sét xanh làm tăng độ láng cho bề mặt gốm. Kết hợp với nhau theo tỷ lệ riêng của mỗi người thợ thủ công. Được nung với nhiệt độ cao sẽ cho ra sản phẩm gốm mộc đặc trưng.
Quy trình ra sản phẩm: Đất sét được để “ải” (để nơi khô ráo) từ 6 tháng tới 1 năm, với mục đích để cho nguyên liệu “ngấm” được không khí, mưa gió, nắng, làm giảm độ nở của đất, tránh hao hư cho sản phẩm. Quá trình làm gốm được đúc rút từ kinh nghiệm của ông cha cộng với hiểu biết của bản thân người thợ làm gốm. Đặc trưng riêng của nơi sản xuât gốm: Dùng quy trình sản xuất mới trong khi bản thân chất đất đã rất tốt. Biến đất trở thành những nguyên liệu SẠCH (bỏ hết tạp chất, rễ cây, phù du). Để trở thành nguyên liệu sạch, đất sét thô phải trải qua 5 công đoạn lọc: Lọc thô là loại bỏ những tạp chất lớn, những hạt nhỏ – trung bình vẫn còn lơ lửng sẽ chảy sang bể thứ hai và thứ ba sẽ được lọc bằng một lượt lưới nữa có mắt rất nhỏ như lưới lọc bột. Tiếp theo là quá trình ngâm ủ, trong khi đất sẽ thoát khí ở bên trong đi, gạn bỏ nước trong, lấy lại phần đọng lại ở dưới. Tiếp tục đưa lên một bể nữa để lắng đọng xuống. Chuyển tiếp qua một bể nữa thì sẽ được dung dịch “sệt sệt”, mang ra ngoài không khí phơi đến khi cảm thấy đủ độ để tạo hình.
Có hai phương thức làm đất:
- một là đưa vào máy để luyện lại đất cho đều,
- hai là làm thủ công bằng chân tay (có ưu việt hơn, nhựa đất – chất tạo dẻo sẽ hòa quyện cho đất tốt hơn, tạo hình bằng phương pháp vuốt tay)
Phương pháp tạo hình: chỉ dùng phương pháp vuốt (chuốt) tay. Vuốt tay là phương pháp tạo hình truyền thống của người thợ, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ làm gốm. Đặc trưng của gốm Hương canh là dùng “đòn” (dùng đất để tạo thành những trạch dài, để cuốn thành hình tháp nón để vuốt lên), quá trình này giúp cho ngời thợ đỡ được 1 công đoạn là dùng tay để kéo đất lên. Quá trình chuốt gốm của người thợ Hương Canh rất là khéo, chuốt gốm rất mỏng. Nhưng cũng tạo ra khó khăn trong quá trình nung (dễ xảy ra tình trạng méo – vỡ hình). Điều này được may mắn gỡ bỏ bởi chỉ có đất ở Hương Canh mới chịu được nhiệt độ nung cao mà vẫn giữ được hình dạng sản phẩm theo ý muốn. Trước khi chuốt gốm tạo hình, mọi ý tưởng đã được hình thành trong đầu.
Quá trình nung (nấu chin) sản phẩm: Đặc trưng trong tạo hình gốm của Hương Canh là chuốt tay và tạo thành sản phẩm mỏng cộng với lò nung (lò hỏa biến) thủ công. Nung đốt trong 42 giờ đồng hồ: Giai đoạn 1 dùng than “giấm sấy”, nâng nhiệt từ 0 – 300*C trong 18h đầu. Từ 18 – 30h sau, nâng nhiệt từ từ để tránh tình trạng nổ và nứt sản phẩm (giai đoạn này yêu cầu người thợ phải trực ở cửa lò liên tục). Giai đoạn 8 tiếng cuối, nâng nhiệt từ 900 lên 1200*C, chính giai đoạn này tạo cho gốm Hương canh sự liên kết bề mặt rất tốt, cho ra màu sắc đặc trưng và chất men mộc của gốm Hương canh.
Đặc trưng khác: do nguyên liệu từ đất là đất thịt – đất sét (nhiều oxit sắt), phần sét nhiều hơn phần xương (khác xa so với gốm Bát Tràng hay Thổ Hà) nên khi tạo thành sản phẩm, gõ lên sẽ có tiếng như tiếng chuông làm bằng kim loại.
Chum, chĩnh, vại Hương Canh có màu sành đẹp, có độ bền “thiên niên vạn đại”, quan trong hơn, đồ ăn, thức uống được giữ trong từng sản phẩm luôn giữ được hương vị ban đầu sau nhiều năm tháng.
Trải qua nhiều thăng trầm, tới nay, sản phẩm gốm của chúng tôi không chỉ đáp ứng nhu cầu hàng tiêu dùng tiêu dùng mà còn thỏa mãn nhu cầu gốm nghệ thuật trang trí, tạo hình, décor không gian trong gia đình, nơi làm việc, cửa hàng,…
Ai vào thăm gốm Hương Canh
Đất lành nung đỏ nên tranh trữ tình…
Thông tin liên hệ:
Chị Ngân – 0936468988 – Người giữ lửa cho lò gốm Hương Canh