Thảo Cầm Viên – Động Vật – Loài Ngoại Nhập

Các loài động vật ngoại nhập tại Thảo Cầm Viên Sài gòn

Bên cạnh các loài động vật bản địa, Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn nuôi dưỡng thành công những loài thú quý hiếm vốn có môi trường sinh sống tự nhiên khác biệt. Quá trình này đòi hỏi một sự đầu tư nghiêm túc, từ khâu chọn lọc kỹ lưỡng và nhập thú về, tạo chuồng trại phù hợp với điều kiện sinh sống tự nhiên của thú cho đến việc chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày để thú có thể thích nghi tốt nhất với môi trường sống tại Việt Nam. Các loài thú nhập ngoại hiện có tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn đều thuộc hàng quý hiếm trong tự nhiên, như: tê giác trắng, linh dương sừng kiếm, linh dương sừng xoắn, linh dương đầu bò, linh dương Bles, hươu cao cổ, ngựa hoang, hà mã, hà mã lùn, cò đỏ, vượn cáo, khỉ râu trắng, khỉ sóc…
Tê giác trắng và hà mã lùn hiện đang được nuôi dưỡng tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện là hai loài thú rất quý hiếm trong tự nhiên và được cả thế giới kêu gọi bảo vệ. Việc nuôi dưỡng thành công hai loài quý hiếm này cũng là một động thái tích cực của Thảo Cầm Viên Sài Gòn trong việc góp phần gìn giữ hệ động vật đa dạng chung của trái đất.

Những loài nhập ngoại tiêu biểu tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn:

Lemur catta Linnaeus, 1758
RING-TAILED LEMUR
Họ: Vượn cáo (Lemuridae)

Vượn cáo thuộc nhóm linh trưởng bán hầu, tức là chúng không thuộc họ khỉ hoặc họ khỉ nhân hình. Chúng chỉ sống ở Madagascar và đã trải qua quá trình tiến hóa trong vòng 165 triệu năm. Các loài vượn cáo thường ăn quả và lá cây. Theo báo cáo của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên và Tài Nguyên quốc tế), hơn 90% trong tổng số 103 loài vượn cáo thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Trong đó, 23 loài vượn cáo được xếp vào diện “cực kỳ nguy cấp”, 52 loài có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà khoa học cho rằng, hành động phá rừng của con người và nhu cầu thịt rừng gia tăng ở Madagascar là nguyên nhân khiến nguy cơ tuyệt chủng của vượn cáo gia tăng.

ĐẶC ĐIỂM: Lưng màu xám nhạt dần về phía đuôi. Bụng, ngực và mặt có màu trắng hoặc kem. Lông xung quanh mắt và mõm có màu đen. Đuôi dài với các vòng màu trắng và đen xen kẽ, cuối đuôi luôn là màu đen.

PHÂN BỔ: Đảo Madagascar.

SINH THÁI: Sống ở rừng ven sông đến các vùng rừng cây gai chà ở khu vực phía nam Madagascar.

THỨC ĂN: hoa quả, trái cây, côn trùng, vỏ cây…

SINH SẢN: Mùa sinh sản từ giữa tháng 4-giữa tháng 5. Mang thai 135 ngày và thờng đẻ 1-2 con/lứa.

TÌNH TRẠNG: Nguy cấp (EN)

Ceratotherium simum Burchell, 1817
WHITE RHINOCEROS
Họ: Tê giác (Rhinocerotidae)

Tê giác trắng hay tê giác môi vuông là một trong năm loài tê giác và là một trong số rất ít loài động vật ăn cỏ lớn còn tồn tại. Chúng có nguồn gốc ở Đông Bắc và miền nam châu Phi. Tê giác có xu hướng sống thành bầy đàn từ 1 đến 7 con, trên mõm của chúng có hai sừng với cấu tạo từ các sợi keratin (không phải xương như ở gạc hươu, nai). Cho rằng sừng tê giác có thể chữa bá bệnh, nhiều người châu Á lùng mua sừng tê giác, dẫn đến loài này bị săn giết không thương tiếc để lấy sừng. Tê giác trắng chia làm tê giác trắng phương Bắc và tê giác trắng phương Nam. Tê giác trắng phương Nam hiện còn quần thể khoảng 11.000 con. Tế giác trắng phương Bắc thì gần như tuyệt chủng. Theo tin CNN ngày 30-7-2015, cả thế giới chỉ còn bốn con tê giác trắng phương Bắc, với một con đực duy nhất đang được bảo vệ 24/24 để ngăn ngừa loài này biến mất khỏi trái đất.

ĐẶC ĐIỂM: Trọng lượng từ 1440kg – 3600kg. Có hai sừng nằm trên mũi, sừng trước dài hơn và có thể dài đến 150cm.

PHÂN BỔ: Đông Bắc và Nam Châu Phi.

SINH THÁI: Sống ở vùng đồng cỏ và thảo nguyên savanna.

THỨC ĂN: chủ yếu là cỏ

SINH SẢN: Diễn ra quanh năm, mang thai 16 tháng, sinh 1 con/lứa.

TÌNH TRẠNG: Ít nguy cấp (LR).

Tragelaphus strepsiceros Pallas, 1766
GREATER KUDU
Họ: Trâu bò (Bovidae)

Linh dương sừng xoắn, hay còn gọi là linh dương Addax, chủ yếu ăn cỏ và lá của bất kỳ cây bụi có sẵn, cây họ đậu và cây bụi. Môi trường sống tự nhiên của chúng là những vùng đất khô cằn, bán hoang mạc và sa mạc cát và đá. Là loài động vật thích nghi tốt để tồn tại trong môi trường sống sa mạc, linh dương sừng xoắn có thể sống mà không cần nước trong thời gian dài. Chúng sống theo đàn từ 5 đến 20 cá thể, gồm cả con đực và con cái, được dẫn dắt bởi con cái lớn tuổi nhất. Do chuyển động chậm chạp, linh dương sừng xoắn là mục tiêu dễ dàng cho các loài thú ăn thịt như: sư tử, chó săn châu Phi, báo Gêpa và báo hoa mai.

ĐẶC ĐIỂM: Cân nặng 120 – 315 kg, có 6 – 10 vệt sọc dọc theo lưng. Con đực có sừng dạng xoắn trôn ốc có thể dài hơn 1m.

PHÂN BỔ: Đông và Nam Châu Phi.

SINH THÁI: Sống ở vùng đồng cỏ savan, rừng có nhiều cây bụi.

THỨC ĂN: lá cây, cỏ, trái cây, hoa…

SINH SẢN: Mang thai 8 tháng, sinh 1 con/lứa.

TÌNH TRẠNG: Ít nguy cấp (LR)

Oryx gazella Linnaeus, 1758
GEMSBOK
Họ: Trâu bò (Bovidae)

Linh dương sừng kiếm hình thành đàn hỗn giới (cả đực lẫn cái) lên đến 70 thành viên, thường được dẫn đầu bởi các con đực. Chúng cư trú tại vùng bán hoang mạc hay hoang mạc. Chúng thích nghi với cái nóng khắc nghiệt bằng cơ chế làm mát hiệu quả và nhu cầu rất thấp đối với nước. Chúng Tìm thức ăn trên tán lá, cỏ, cây mọng nước và các bộ phận của cây trong suốt đêm tối hoặc sáng sớm. Linh dương sừng kiếm từng phổ biến ở Bắc Phi nhưng đã suy giảm nghiêm trọng do sự biến đổi khí hậu và săn bắt quá mức để lấy sừng. Ngày nay, linh dương sừng kiếm được nuôi trong điều kiện nuôi nhốt tại nhiều khu bảo tồn và vườn thú lâu đời như Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

ĐẶC ĐIỂM: Cân nặng 180 – 240 kg, có sừng thẳng, dài và nhọn, khuôn mặt nổi bật với dải lông đen trắng.

PHÂN BỔ: Đông Nam Châu Phi.

SINH THÁI: Sống ở vùng đồng cỏ nhiệt đới và cận nhiệt đới.

THỨC ĂN: lá cây, rễ, vỏ cây, trái cây…

SINH SẢN: Mang thai 9 tháng, sinh 1 – 2 con/lứa.

TÌNH TRẠNG: Ít nguy cấp (LR)

Connochaeles taurinus Gray, 1821
BLUE WILDEBEEST
Họ: Trâu bò (Bovidae)

Linh dương đầu bò là động vật ăn cỏ, kiếm ăn chủ yếu tại đồng cỏ ngắn. Linh dương đầu bò chủ yếu hoạt động vào buổi sáng và chiều tối. Thời gian nóng nhất trong ngày được chúng dành để nghỉ ngơi. Là loài vật cực kỳ nhanh nhẹn và cảnh giác, linh dương đầu bò có thể chạy với tốc độ lên đến 80 km/h, vẫy đuôi hay hất đầu. Linh dương đầu bò phân bố tại vùng đồng bằng cỏ ngắn giáp savan ở miền nam và miền đông châu Phi, phát triển mạnh tại vùng không quá ẩm ướt hoặc không quá khô cằn. Mỗi năm, vài quần thể linh dương đầu bò tại Đông Phi tham gia hành trình di cư đường dài để tìm nước uống và đồng cỏ xanh.

ĐẶC ĐIỂM: Đực và cái đều có sừng hình dạng giống sừng bò, lông màu xám đen. Có u vai. Cân nặng : 200 – 270kg.

PHÂN BỔ: Châu Phi.

SINH THÁI: Sống ở vùng đồng cỏ nhiệt đới và cận nhiệt đới.

THỨC ĂN: cỏ, lá non, rễ cây…

SINH SẢN: Vào mùa mưa, mang thai 8,5 tháng, sinh 1 con/lứa.

TÌNH TRẠNG: Ít nguy cấp (LR)

Saimiri sciureus Linnaeus, 1758
COMMON SQUIRREL MONKEY
Họ: Khỉ đuôi cong (Cebidae)

Khỉ sóc sinh sống trong các khu rừng nhiệt đới Trung và Nam Mỹ. Chúng kiếm ăn ban ngày và sinh sống ở trên cây. Đuôi của chúng không được dùng để leo trèo mà có vai trò của một loại “sào giữ thăng bằng”, giúp chúng di chuyển giữa các cành cây cực kỳ nhanh. Khỉ sóc sống theo đàn, có một loạt các tiếng hú để giao tiếp với nhau, bao gồm cả cảnh báo các mối hiểm nguy từ các loài thú ăn thịt. Khỉ sóc là động vật ăn tạp, chủ yếu ăn các loại quả và sâu bọ. Loài linh trưởng này có kích thước nhỏ, linh hoạt, gần gũi với con người và thường được nuôi tại nhà như thú cưng.

ĐẶC ĐIỂM: lông ngắn và dày, màu ô liu tại vai và màu cam vàng tại lưng và tay chân. Họng và tai có lông màu trắng và miệng màu đen.

PHÂN BỔ: Trung và Nam Châu Mỹ.

SINH THÁI: Thường sống ở rừng nhiệt đới, rừng mưa Amazon.

THỨC ĂN: trái cây, côn trùng, hạt, lá cây…

SINH SẢN: sinh con trong mùa mưa, sau một thời kỳ mang thai 150-170 ngày.

TÌNH TRẠNG: Ít quan tâm (LC)

Giraffa camelopardalis Linnaeus, 1758
GIRAFFE
Họ: Hươu cao cổ (Giraffidae)

Hươu cao cổ là động vật có vú thuộc bộ Guốc chẵn, là động vật cao nhất trên cạn và động vật nhai lại lớn nhất. Hươu cao cổ thường sống ở savan, đồng cỏ và rừng thưa. Nguồn thức ăn chính của chúng là lá cây keo – loại lá cây mà hầu hết các động vật ăn cỏ khác không thể với tới. Hươu cao cổ thường uống một lượng lớn nước trong một lần và có thể giữ nước lâu trong cơ thể, nên chúng có thể sống tại những nơi khô cằn trong một thời gian dài. Hươu cao cổ có thể chạy nhanh và trong trường hợp khẩn cấp có thể đạt tới tốc độ nước đại là 55 km/h, có nghĩa là ở khoảng cách ngắn chúng có thể đuổi kịp ngựa đua.

ĐẶC ĐIỂM: Là loài thú cao nhất (5 – 6m), trọng lượng có thể đến 1200kg, da gồm những đốm nâu, cách nhau bởi những đường trắng.

PHÂN BỔ: Nam sa mạc Sahara-Châu Phi.

SINH THÁI: Sống thành đàn 10-20 ở hoang mạc.

THỨC ĂN: chủ yếu là lá cây, đọt non…

SINH SẢN: Trưởng thành 4-5 tuổi, mang thai khoảng 15 tháng.

TÌNH TRẠNG: Ít nguy cấp (LR)

Hippopotamus amphibius Linnaeus, 1758
HIPPOPOTAMUS
Họ: Hà Mã (Hippopotamidae)

Hà mã là loài sống nửa dưới nước nửa trên cạn, cư trú ở các con sông, hồ và các đầm lầy rừng ngập mặn Tây Phi. Hà mã sống theo đàn, con đực đầu đàn sẽ chiếm lĩnh một đoạn sông và đứng đầu đàn gồm 5 đến 30 con cái và con non. Vào ban ngày, chúng duy trì sự mát mẻ bằng cách dầm mình trong nước hay bùn và sự sinh sản cũng diễn ra trong nước. Chúng lên bờ vào ban đêm để ăn cỏ. Là loài thú dữ tợn nhất Châu Phi, hàm của hà mã có thể nghiền nát một hoặc hai con cá sấu dài khoảng 3m. Chúng có trọng lượng trung bình lên tới 1,5 tấn và hàm răng có sức mạnh tương đương với một chiếc búa tạ cỡ lớn. Hà mã hiện là loài thú nguy hiểm nhất và giết người nhiều nhất ở châu Phi.

ĐẶC ĐIỂM: Trọng lượng có thể tới 3200kg. Miệng rộng, toàn thân có màu nâu. Da dày, không có lông..

PHÂN BỔ: Đông và Đông Nam Châu Phi.

SINH THÁI: Sống ở vùng sông hồ, xung quanh có nhiều bãi cỏ.

THỨC ĂN: cỏ, trái cây, lá cây, rễ cây…

SINH SẢN: Mang thai 7,5 – 8 tháng, đẻ 1 con/lứa.

TÌNH TRẠNG: Sẽ nguy cấp (VU)

Eudocimus ruber Linnaeus, 1758
SCARLET IBIS

Họ: Cò quăm (Threskiornithidae)

Cò quăm đỏ là một loài chim thuộc Họ Cò quăm. Nó sinh sống vùng nhiệt đới Nam Mỹ và hải đảo vùng Caribê. Tuy hình dáng của nó giống như hầu hết các loài cò quăm khác, nó vẫn rất khác biệt ở màu lông đỏ tươi rựa rỡ. Khi còn bé, lông của cò quăm đỏ có màu nâu xám, bụng có màu trắng. Khi lớn lên, màu đỏ của lông có được là nhờ cò quăm đỏ ăn một loại cua nhỏ màu đỏ trong tự nhiên. Cò quăm đỏ sống thành đàn tập trung từ 30 cá thể trở lên. Cò quăm đỏ là loài chim di cư, chúng thường bay thành hình chữ V. Cò quăm đỏ được công nhận là loài chim lội nước chỉ có màu đỏ duy nhất trên thế giới.

ĐẶC ĐIỂM: Toàn thân có lông màu đỏ tươi. Cuối cánh lông có màu đen. Mỏ quăm nhọn màu đen.

PHÂN BỔ: Bắc Nam Mỹ và hải đảo vùng Caribê.

SINH THÁI: Tập trung chủ yếu ở vùng ngập nước, đầm lầy.

THỨC ĂN: tôm, cua nhỏ, côn trùng…

SINH SẢN: Đẻ 3-5 trứng/lứa. Thời gian ấp trứng từ 19-23 ngày, thời gian nuôi con 39-45 ngày.

TÌNH TRẠNG: Ít quan tâm (LC)