Thảo Cầm Viên Sài Gòn – Cây sách đỏ

Trầm Hương

Cây trầm hương phân bố rải rác trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh, mưa mùa và ẩm nguyên sinh. Cây sống ở châu Á và thường tập trung ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Bắc Ấn Độ… Giá trị kinh tế của cây trầm hương rất lớn. Mùi hương của cây được sử dụng làm nước hoa, nhang và dược phẩm có giá trị cao. Gỗ trầm được sử dụng để làm các đồ dùng gia dụng. Vỏ cây có sợi thường được dùng để sản xuất giấy. Gỗ nhẹ và rất thơm. Do là gỗ quý nên trầm hương bị khai thác gần như cạn kiệt. Mặc dù cây có vùng phân bố tương đối rộng, nhưng với mức độ khai thác ồ ạt, thêm vào đó là nạn phá rừng nên nguồn trầm hương ở Việt Nam giảm sút rõ rệt. Hầu như không còn tìm thấy những cây lớn trong tự nhiên. Hiện nay, 4 cây trầm hương quý giá tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang được chăm sóc và phát triển rất tốt.

TRẦM HƯƠNG
Aquilaria crassna , Pierre ex Lecomte
Họ Trầm hương Thymeleaceae

TÊN GỌI KHÁC: Dó trầm, dó bầu, trầm dó.

ĐẶC ĐIỂM: Thân cây to, lá dài, gỗ màu vàng nhạt, có thớ đen. Vỏ màu nâu xám, nứt dọc, dễ bóc. Cành có lông, có màu nâu sẫm. Chồi ngọn có lông màu vàng nhạt. Tán lá thưa.
Lá hình trứng thuôn, bầu dục hay hình giáo dài, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới màu nhạt hơn và có lông mịn, chóp lá có mũi nhọn, gốc lá nhọn hoặc tù.
Hoa nhỏ, mọc thành cụm hình tán ở nách lá gần đầu cành non, màu vàng nhạt; cuống hoa có lông mỏng. Đài hình chuông, nông, 5 thùy, có lông.
Quả nang hình trứng ngược, dài 4 cm, rộng 3 cm, khi khô nứt làm hai mảnh, cứng, có lông mềm màu vàng xám, mang đài tồn tại. Cuống quả dài 1 cm.

SINH HỌC: Ra hoa tháng 2-4, quả chín tháng 5-7.

SINH THÁI: Mọc rải rác trong rừng kín trên sườn dốc và thoát nước.

TÌNH TRẠNG: Nguy cấp (EN).

Mặc Nưa

Mặc nưa là loại cây đặc trưng của vùng nhiệt đới, phân bố tại Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia. Ngoài cây tự nhiên, mặc nưa còn được trồng để lấy gỗ và quả. Gỗ mặc nưa màu đen bóng đẹp, càng dùng lâu càng lên nước, thuộc dạng quý hiếm và rất được ưa chuộng trong nghề mộc cao cấp, đồ mỹ nghệ… Lá và quả mặc nưa dùng để nhuộm màu đen hàng dệt tơ lụa, cho màu đẹp và bền.
Vì có giá trị kinh tế cao, mặc nưa đang bị chặt hạ quá mức và có nguy cơ tuyệt chủng khi hết nguồn cây mẹ gieo giống. Việc phá rừng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của mặc nưa. Hiện nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang chăm sóc 5 cây mặc nưa lâu năm và quý hiếm.

MẶC NƯA
Diospyros mollis, Griff.
Họ Thị Ebenaceae

TÊN GỌI KHÁC: Mắc nưa, mạc nưa, mac leua.

ĐẶC ĐIỂM: Cây gỗ trung bình. Cành non trắng hay xám.
Lá mọc xen, hình ngọn giáo hoặc hình bầu dục, không lông, khi khô màu đen; chóp lá nhọn, gốc lá hình nêm; cuống lá có lông.
Hoa đơn tính, màu vàng nhạt; hoa đực hình xim gồm 2 – 3 hoa nhỏ, mọc ở nách lá. Lá đài hình tam giác. Tràng hình lục lạc. Hoa cái mọc đơn độc, to hơn hoa đực.
Quả mọng, màu xanh, nhẵn, hình cầu, khi chín màu đen.

SINH HỌC: Mùa hoa tháng 1, quả tháng 9-4 (năm sau).

TÌNH TRẠNG: Nguy cấp (EN).

Lát Hoa

Lát hoa phân bổ tự nhiên ở rừng hỗn giao lá rộng thường xanh hoặc rụng lá, cũng thường mọc rải rác ở các thảm thực vật thưa thớt. Ngoài Việt Nam, lát hoa còn được tìm thấy rộng rãi ở Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… và được nhân giống ở nhiều nước khác như Cameroon, Costa Rica, Nigeria, Puerto Rico, Nam Phi và Hoa Kỳ. Cây chủ yếu cho giá trị khai thác gỗ đóng đồ dùng nội thất, ván khắc, ván ghép… Hiện Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang chăm sóc 3 cây lát hoa.

LÁT HOA
Chukrasia tabularis , A. Juss.
Họ Xoan Meliaceae

ĐẶC ĐIỂM: cây gỗ trung bình, cao tới 25m, thân cây thẳng, cành rậm, vỏ thân mầu nâu nhạt rạn nứt dọc.Cành non có màu đỏ nâu với lớp lông mịn.
Lá kép lông chim một lần chẵn mọc cách. Cuống chính (từ đầu cuống đến lá chét đầu tiên) của lá hình trụ, Mỗi lá chính có 10-16 lá chét. Lá chét hình trứng hoặc mũi mác thuôn dài (giai đoạn cây non đôi khi là xẻ thùy), đầu lá chét nhọn đôi khi là có mmũi nhọn, đuôi lá chét thường lệch, mặt dưới không hoặc phủ nhẹ lớp lông mịn màu nâu nhạt.
Hoa tự hình chùy mọc ở đầu cành. Hoa màu trắng kem, có mùi thơm nhẹ.
Quả hình cầu hoặc bầu dục màu xám vàng đến nâu.

SINH HỌC: Mùa hoa từ tháng 4-5, mùa quả từ tháng 7-1 (năm sau).

SINH THÁI: Phân bổ ở rừng hỗn giao lá rộng thường xanh hoặc rụng lá, thảm thực vật thưa thớt

TÌNH TRẠNG: Sắp nguy cấp (VU).

Gõ Mật

Đây là loài cây ưa sáng, dễ tính, sinh trưởng được cả ở những nơi đất nghèo dinh dưỡng. Ngoài Việt Nam, gõ mật còn phân bố ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Malaysia. Gỗ cây có màu hồng vân nâu, cứng, mau khô, không co nên dễ gia công và được dùng trong xây dựng nhà cửa, sản xuất đồ nội thất. Do bị khai thác kiệt, hiện nay gần như không còn cây gõ mật lớn trong tự nhiên, chủ yếu là những cây tái sinh sau nương rẫy, mọc tập trung nhiều nhất ở núi Nam Qui. Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đang chăm sóc 4 cây gõ mật với tuổi đời lâu năm, thân cây cao và vững chắc.

GÕ MẬT
Sindora siamensis, Teijsm
Họ Điệp Caesalpiniaceae

ĐẶC ĐIỂM: Cây gỗ to, thân cột, cao. Tán xoè hình ô, cành lá rườm rà. Vỏ ngoài màu nâu sẫm có điểm đốm xám, đốm đen, nứt ngang và dọc, sau bong thành mảnh.
Lá kép lông chim một lần chẵn, có 3-4 đôi lá chét. Lá chét hình bầu dục dài hay hình trứng ngược, có lông rải rác ở mặt trên, có lông dày ở mặt dưới.
Cụm hoa to hình chuỳ ở đỉnh cành. Đài hình ống có lông rải rác bên ngoài. Tràng màu đỏ-vàng nhạt, có lông ở bên ngoài. Bầu có cuống ngắn, phủ lông dày, vòi cong, nhẵn, núm nhuỵ hình đầu.
Quả đậu dẹt, hình bầu dục rộng, có gai thưa, tiết ra nhựa ở đầu gai. Hạt gần như tròn, dẹt, áo hạt màu vàng cam, hay vàng nâu cứng, rộng bằng hạt.

SINH HỌC: Mùa hoa tháng 3-4, mùa quả chín tháng 7-8.

SINH THÁI: Mọc trong rừng nhiệt đới thường xanh và nửa rụng lá…

TÌNH TRẠNG: Nguy cấp (EN).

Gõ Đỏ

Cây gõ đỏ phân bố trong rừng thường xanh hoặc rừng nửa rụng lá, mọc trên đất bằng hoặc sườn thoát nước. Đây là loài cây đặc hữu của khu vực Đông Dương và phân bố rộng rãi ở các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar. Gỗ gõ đỏ rất đẹp, cứng, bền, thường được dùng để sản xuất đồ nội thất cao cấp. Với ưu thế thân cao và tán lá lớn, gõ đỏ thường được trồng làm cây công trình tạo cảnh quan và bóng mát cho công viên, khuôn viên của các khu đô thị. Là loại gỗ rất quý nên gõ đỏ bị săn lùng và khai thác rất mạnh trong tự nhiên, được đưa vào danh sách cây cần bảo tồn của Sách đỏ Việt Nam. Hiện có 8 cây gõ đỏ được chăm sóc tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

GÕ ĐỎ
Afzelia xylocarpa, Kurz
Họ Điệp Caesalpiniaceae

TÊN GỌI KHÁC: hổ bì, cà te.

ĐẶC ĐIỂM: Cây gỗ lớn, vỏ màu xám trắng, sần sùi nhiều. Phân cành thấp.
Lá kép lông chim chẵn với 3 tới 5 đôi lá chét hình trái xoan, đầu có mũi lồi tù, đuôi gần tròn.
Hoa tự hình chùm.
Quả đậu hình bao kính. Vỏ quả khi chín hoá gỗ màu đen.

SINH HỌC: Rụng lá vào khoảng tháng 12. Mùa nở hoa tháng 3–4.

SINH THÁI: Phân bố trong rừng thường xanh hoặc rừng nửa rụng lá…

TÌNH TRẠNG: Nguy cấp (EN).

Đinh

Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đang chăm sóc 10 cây đinh. Đây là loại cây cho gỗ tốt, không bị mối mọt, được dùng rộng rãi trong xây dựng và nội thất. Hoa và quả non có thể nấu ăn. Trong tự nhiên, cây đinh phân bố nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Lào. Mặc dù khu phân bố khá rộng nhưng do địa lý bị chia cắt, những cá thể trưởng thành lại thường bị khai thác quá mức nên hiện trong tự nhiên chỉ gặp rải rác những cây nhỏ và ngày càng khan hiếm.

ĐINH
Markhamia stipulata, (Wall) Seem. ex Schum. var. Pierrei (Dop) Santisuk
Họ họ Quao Bignoniaceae

ĐẶC ĐIỂM: Cây gỗ cao 10-25 m, vỏ thân dày màu xám. Cành non có lông dày màu vàng-xám.
Lá kép lông chim một lần, mang 7-11 lá chét. Lá chét hình trứng, ngọn giáo hay bầu dục-ngọn giáo, chóp lá nhọn, gốc lá tròn hay tù, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông màu vàng-xám, cuống rất ngắn.
Cụm hoa hình chùm ở đỉnh cành, có lông, mang ít hoa. Tràng màu vàng, họng tràng màu vàng đậm-đỏ nhạt.
Quả nang hơi dẹp, có lông dày màu vàng-xám. Hạt có cánh mỏng.

SINH HỌC: Mùa hoa từ tháng 9-12, mùa quả chín tháng 3-5 (năm sau).

SINH THÁI: Phân bố trong rừng ẩm.

TÌNH TRẠNG: Sắp nguy cấp (VU).

Panthera leo Linnaeus, 1758
LION
Họ: Mèo (Felidae)

Trước khi loài người chiếm ưu thế, sư tử là loài động vật chiếm nhiều lãnh thổ hơn bất kỳ loài động vật có vú nào khác trên đất liền. Hiện nay, sư tử hoang dã sinh sống chủ yếu ở vùng châu Phi hạ Sahara và châu Á. Sư tử sống từ 10–14 năm trong tự nhiên nhưng trong môi trường nuôi nhốt, chúng có thể sống hơn 20 năm. Trong tự nhiên, sư tử đực hiếm khi sống hơn 10 năm, do hậu quả của việc đánh nhau liên tục với các sư tử đối thủ. Sư tử có tập tính xã hội khác biệt so với các loài họ Mèo còn lại. Một đàn sư tử gồm con cái và con non của chúng, cùng với một số nhỏ con đực trưởng thành. Nhóm sư tử cái thường đi săn cùng nhau, con mồi chủ yếu là động vật móng guốc lớn (linh dương, nai…). Chúng nhìn trong đêm rất tốt và có thể ngủ tới 20 giờ mỗi ngày.

ĐẶC ĐIỂM: Lông màu hung vàng hoặc nâu. Chỉ con đực có lông bờm. Nặng khoảng 120 – 230kg.

PHÂN BỔ: Châu Phi.

SINH THÁI: Sống ở vùng savan phía nam sa mạc Sahara.

THỨC ĂN: linh dương, ngựa vằn, bò…

SINH SẢN: Thời gian mang thai 100 – 110 ngày, mỗi lứa đẻ 1 – 6 con.

TÌNH TRẠNG: Sẽ nguy cấp (VU, IUCN)

Dầu Con Rái

Cây dầu rái sinh sống trong rừng nhiệt đới ẩm, thường mọc dọc bờ sông. Cây phân bố rộng rãi ở các nước Đông Nam Á và đặc biệt phổ biến ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Năm 2011, một quần thể cây dầu rái quý hiếm, nguyên sinh và thuần chủng lớn nhất Việt Nam đã được phát hiện tại vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Cây dầu rái chủ yếu dùng để khai thác gỗ và lấy dầu. Gỗ cây màu nâu đỏ nhạt, dễ gia công trong xây dựng và nội thất. Dầu của cây là nguyên liệu tốt cho ngành sơn, vẹcni. Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đang chăm sóc 117 cây dầu rái rải rác khắp khuôn viên. Cây cao nhất có mã số 844 với chiều cao 32m. Trước đây, Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một cánh rừng của miền Đông Nam Bộ nên số cây dầu rái chiếm khá nhiều.

DẦU CON RÁI
Dipterocarpus alatus, Roxb. ex G. Don
Họ Dầu Dipterocarpaceae

ĐẶC ĐIỂM: Cây gỗ lớn, thân tròn, thẳng, cao 40 – 50m. Vỏ màu xám nâu bong thành những mảnh nhỏ. Cành có đường kính lớn, cành non, cuống và mặt dưới lá phủ lông hình sao. Tán hình nón khá dầy. Lá đơn mọc cách hình trứng hay trái xoan thuôn dài. Có lá kèm lớn tạo thành lớp búp màu đỏ.
Quả lớn, có 5 gờ và 2 cánh đài phát triển. Khi chín quả rụng xuống cánh quay theo gió.

SINH HỌC: Hoa thường nở vào tháng 11-12, quả chín vào khoảng tháng 4.

SINH THÁI: Phân bố trong rừng rừng nhiệt đới ẩm, dọc bờ sông.

TÌNH TRẠNG: Nguy cấp (EN).

Đạt Phước

Đạt phước là loài cây tương đối hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng do nạn phá rừng và khai thác quá mức để lấy gỗ. Cây được trồng làm cảnh ở nhiều nước, vỏ và thân có giá trị cao trong y học. Ngoài Việt Nam, cây đạt phước còn phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào… Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đang chăm sóc 3 cây đạt phước.

 

ĐẠT PHƯỚC
Millingtonia hortensis, L. f.
Họ Quao Bignoniaceae

ĐẶC ĐIỂM: Cây gỗ, cao 8-25 m. Vỏ thân dày, có đường nứt dọc sâu.
Lá kép lông chim 2-3 lần, lá thường rụng vào mùa khô. Lá chét hình trứng-ngọn giáo, chóp lá nhọn, gốc lá tròn hay gần như cụt, mép lá nguyên hay có khía răng không đều, có lông ở mép lá và trên gân lá mặt dưới.
Cụm hoa hình chùm ở đỉnh cành. Đài hình chuông, cánh tràng màu trắng hình ống, có lông tuyến ở bên trong. 2 nhị dài và 2 nhị ngắn, hơi thò ra khỏi ống tràng. Bầu hình trụ-nón, nhẵn.
Quả nang. Hạt có cánh mỏng.

SINH HỌC: Mùa hoa tháng 10-11, quả chín tháng 1-3 (năm sau).

SINH THÁI: Phân bố trong rừng hỗn giao, nơi ẩm và ven rừng.

TÌNH TRẠNG: Sắp nguy cấp (VU).

Cẩm Lai Bông

Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đang chăm sóc 3 cây cẩm lai bông. Loài cây cho gỗ quý này chỉ có ở Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam, cây cẩm lai bông đầu tiên được phát hiện ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Cây sinh trưởng ở nơi đất bằng phẳng hoặc có độ dốc nhỏ ở những vùng đất ẩm trong rừng. Cây cho gỗ quý, bền, chắc, có màu sắc và vân đẹp, được dùng để đóng đồ nội thất cao cấp và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Vì là gỗ quý nên cẩm lai bông bị săn lùng và khai thác triệt để, đến nay rất khó tìm thấy những cá thể trưởng thành có đường kính lớn trong tự nhiên. Mặc dù khu phân bố rộng nhưng do bị chia cắt và do ảnh hưởng của việc phá rừng, cẩm lai bông gần như biến mất ở nhiều khu vực sinh sống trước đây.

CẨM LAI BÔNG
Dalbergia oliveri, Gamble ex Prain
Họ Đậu Papilionaceae

TÊN GỌI KHÁC: Cẩm lai; Cẩm lai bà rịa; cẩm lai đồng nai; cẩm lai vú; cẩm lai mật; trắc lai.

ĐẶC ĐIỂM: Cây gỗ thường xanh, có tán hình ô, cao 20 – 30 m. Vỏ thân màu xám, có đốm trắng hay vàng, không nứt nẻ; phần trong của vỏ có mùi sắn dây.
Lá kép lông chim một lần, có 11 – 15 lá chét. Lá chét hình ngọn giáo – thuôn, chóp lá tù đến nhọn, gốc lá tù hay tròn, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa hình chuỳ ở đỉnh cành hay ở nách lá phía đỉnh cành. Hoa nhỏ, màu lam nhạt.
Quả đậu dài, dẹt, hơi thắt eo ở nơi có hạt. Hạt thường 1, đôi khi là 2 trong mỗi quả, hình thận, dẹt, màu đen nhạt.

SINH HỌC: Mùa hoa tháng 12 – 1 (năm sau), quả chín tháng 2 – 4 (năm sau).

SINH THÁI: Phân bố trong rừng, nơi ẩm, đất bằng phẳng

TÌNH TRẠNG: Nguy cấp (EN).

Bách Xanh

Bách Xanh phân bố ở Việt Nam và một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Loại cây này mọc trong rừng mưa nhiệt đới ở núi thấp hoặc núi có độ cao trung bình, thường mọc thành từng đám nhỏ hoặc rải rác ven suối. Cây hợp với khí hậu mát mẻ và ẩm ướt. Cây cho gỗ thớ thẳng, khá mịn, ít nứt nẻ và không bị biến dạng, không bị mối mọt và mục, dễ gia công. Gỗ cây bách xanh thường được dùng để xây dựng nhà cửa, sản xuất đồ nội thất cao cấp và nhờ mùi thơm dịu nên còn được dùng làm bột hương, hương liệu và tinh dầu. Do giá trị kinh tế cao, cây bị khai thác quá mức, cộng thêm việc môi trường sống của cây bị thu hẹp dần do nạn phá rừng nên theo ước tính, cả nước ta hiện không còn quá 500 cây bách xanh có đường kính trên 10cm. Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong số ít các vườn thú hiếm hoi tại Việt Nam có cây bách xanh lâu đời với đường kính thân cây hơn 1m.

BÁCH XANH
Calocedrus macrolepis, Kurz
Họ Cupressaceae

TÊN GỌI KHÁC: tùng hương, pơ mu xanh, tô hạp bách, trắc bách diệp núi.

ĐẶC ĐIỂM: Cây gỗ to, thường xanh, thân thẳng cao đến 20 – 25m hay hơn. Vỏ màu nâu đen, nứt dọc. Tán cây hình tháp rộng.
Lá hình vảy, xếp áp sát trên cành thành từng đốt mỗi đốt có 2 lá lưng bụng to hơn và 2 lá bên nhỏ hơn. Mặt trên lá màu lục thẫm, mặt dưới bạc hơn.

SINH HỌC: Tái sinh bằng hạt tốt. Cây cho hạt tháng 10 – 12.

SINH THÁI: Mọc trong rừng mưa nhiệt đới, ven suối…

TÌNH TRẠNG: Nguy cấp (EN).