Loạn phân bón “trung vi lượng”?
Việc bón phân (đưa chất dinh dưỡng) vào đất rất dễ, song khi bị dư thừa khó mà xử lý loại bỏ nó ra khỏi đất, bởi qui trình này vô cùng khó khăn, phức tạp và tốn kém.
* Nguy cơ “bê tông hóa” ruộng đồng
Không phải tự dưng trên thị trường ồ ạt xuất hiện các sản phẩm phân trung vi lượng nhập nhèm nhái phân lân mà nguyên nhân sâu xa vẫn là sự chồng chéo trong quản lý giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT chưa được giải quyết triệt để, cộng với những kẽ hở tại Nghị định 202/2013/NĐ-CP nên các DN lách luật và cho ra đời những sản phẩm phân bón khiến đồng đất nước nhà có nguy cơ bị “bê tông hóa”.
Chết bởi “phân bón khác”!
Theo quy định tại Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón thì Bộ Công thương là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước chung về phân bón, trong đó chủ lực là phân bón vô cơ và phân bón khác; Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý SX, kinh doanh, chất lượng phân hữu cơ và phân bón khác. Cũng chính bởi việc cố “thòng” thêm “phân bón khác” nói trên nên Thông tư 29 của Bộ Công thương và Thông tư 41 của Bộ NN-PTNT vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho DN ồ ạt cho ra đời các sản phẩm phân bón “nửa dơi nửa chuột” trên thị trường hiện nay.
Bởi theo mục b và c, khoản 2, Điều 3, Nghị định 202, định nghĩa: Chất dinh dưỡng trung lượng và vi lượng là các chất bao gồm canxi (Ca), magiê (Mg), lưu huỳnh (S), silic hữu hiệu (SiO2hh), Bo (B), côban (Co), đồng (Cu), sắt (Fe), mangan (Mn), molipđen (Mo), kẽm (Zn)… ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thu được. Tuy nhiên, phương pháp, cách thức nào để nhận biết được các chất trung vi lượng trên ở dạng cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được thì cả trong hai Thông tư đều không chỉ ra được cụ thể, chi tiết.
Thực tế, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có quy chuẩn tiêu chuẩn quốc gia phân tích được tính hữu hiệu của các thành phần đa lượng trong phân bón gồm: Đạm (N) là 46,3% nitơ, lân (P) tối thiểu 13,5% P2O5 hữu hiệu trở lên, kali (K) 60% K2O và DAP 60 – 64% P2O5 + nitơ. Với các thành phần trung, vi lượng như: Ca, Mg, S, SiO2, B, Co, Cu, Fe, Mn, Zn…
Qua tìm hiểu chỉ một vài DN như Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển… ghi thành phần hữu hiệu và đã gửi cả ra nước ngoài kiểm nghiệm, còn đại bộ phận các DN vẫn chỉ ghi thành phần tổng số nhưng do hiện chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn quốc gia, chưa có phương pháp, quy trình để phân tích được tính hữu hiệu nên chẳng có biện pháp nào kiểm tra trong phân của họ có bao nhiêu % hữu hiệu.
Chính vì kẽ hở này nên trong khoảng 2 năm gần đây, đặc biệt từ khi Nghị định 202 ra đời, trên thị trường xuất hiện nhan nhản các sản phẩm phân bón trung, vi lượng vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, hiện nay các DN phân bón kiểu cuốc xẻng hay máy trộn bê tông sẵn sàng mua quặng đôlômít, quặng secpentin, đất sét, đá vôi, thậm chí mua gỉ sắt tại các cửa hàng sắt vụn, đồng nát về nghiền và cho ra đời các sản phẩm phân trung, vi lượng như supe lân – canxi – magie, lân canxi – magie – silic, lân vôi – canxi – magie… đánh lận con đen với các loại phân lân canxi của các Cty phân lân nung chảy Văn Điển, Ninh Bình, Lâm Thao…
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia phân bón xin được giấu tên bức xúc đề nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước hãy vì cái chung, đưa ra các quy định quản lý phân bón khoa học, hiệu quả nhất để có thời gian và nhân lực tập trung vào nghiên cứu nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón sẽ thiết thực hơn. Bởi theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), hiệu quả sử dụng phân bón tại Việt Nam chỉ đạt 45 – 50% nên mỗi năm nước ta lãng phí tới 2 tỷ USD do việc sử dụng phân bón không đúng cách. |
Tuy nhiên, nếu lấy mẫu các sản phẩm này đem phân tích tại các phòng thí nghiệm cơ quan chức năng chắc chắn đều bó tay vì hàm lượng tổng số của nó không những đạt, thậm chí còn cao hơn công bố trên bao bì. Nhưng đấy chỉ là đá nghiền thuần túy, chưa qua chế biến nên các chất này chưa chuyển thành chất dinh dưỡng và cây trồng không thể hấp thụ được, ngược lại làm chết cây, hỏng đất.
Thực tế, các nguyên liệu để SX ra phân bón như: quặng apatit ngoài tự nhiên đã chứa hàm lượng P2O5 ở dạng tổng số tới 34%, sau khi dùng phương pháp vật lý nung chảy trong lò cao hoặc hóa học phun axít sunfuric mới thu được thành phần P2O5 hữu hiệu từ 15 – 19% hoặc phân DAP chứa 44 – 46% P2O5 hữu hiệu. Hay như quặng secpentin hàm lượng SiO2 tổng số lên tới 44%, MgO tổng số 32%; cát chứa 70% SiO2 tổng số; đá vôi chứa 80 – 90% CaO tổng số; quặng đôlômit chứa hàm lượng MgO hay SiO2 tổng số rất cao, nhưng phải có công nghệ SX mà phổ biến nhất hiện nay là phương pháp nung chảy như ở Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển, Ninh Bình… với nhiệt độ trên 1.500oC mới phá vỡ được kết cấu và chuyển hóa các nguyên liệu trên từ thành phần tổng số sang hữu hiệu hòa tan trong nước hoặc trong môi trường axit yếu do rễ cây tiết ra để cây trồng có thể hấp thụ dễ dàng.
Báo động ngộ độc đất từ phân bón
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc một Trung tâm Khảo nghiệm phân bón lắc đầu ngao ngán và lo lắng, trong Thông tư 29 của Bộ Công thương về SX kinh doanh phân bón vô cơ, việc đưa ra các quy định kỹ thuật cho các loại phân bón trung vi lượng: silic, canxi, lưu huỳnh, magiê, đồng, sắt, kẽm, mangan… đã tạo tiền đề cho các nhà SX phân bón đưa ra các chủng loại phân bón này với liều lượng sử dụng vô tội vạ, gây tác hại lớn tới cây trồng và đất đai.
Những tấm pano quảng cáo quá mức tại đại lí phân bón ở Tây Nguyên
Theo vị giám đốc này, đối với các loại phân trung vi lượng cần phải có biện pháp, chế tài và quy định cụ thể nếu không sẽ bị lạm dụng dẫn tới đất đai bị ngộ độc, chai hóa mà không thể cải tạo lại được.
Thực tế, hiện nay độ pH của đất tại Tây Nguyên bị giảm rất nhiều do lạm dụng phân bón hóa học và đất Tây Nguyên từ thiếu lưu huỳnh, giờ nhiều vùng bị ngộ độc lưu huỳnh rất nặng.
Là một trong những chuyên gia đầu ngành trong nước về phân bón, TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (Sở KHCN TP.HCM), tại nhiều hội nghị, hội thảo, đã khẩn thiết đề nghị ngành nông nghiệp cần phải hành động ngay trước nguy cơ đất nông nghiệp bị ngộ độc do bón phân tràn lan không đúng cách.
Dưới góc độ nhà khoa học, ông Nghĩa cảnh báo việc bón phân (đưa chất dinh dưỡng) vào đất rất dễ, song khi bị dư thừa khó mà xử lý loại bỏ nó ra khỏi đất, bởi qui trình này vô cùng khó khăn, phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều lần, đặc biệt là các chất trung, vi lượng.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa chia sẻ, từng chứng kiến và ngăn chặn kịp thời một số hộ dân ở Tây Nguyên và một số vùng khác mua nguyên cả bao vi lượng đơn (những loại vi lượng dạng muối như ZnS04, MnS04; B203); CuS04…) lên tới 25 kg về để bón cho cà phê, tiêu, cây ăn trái…
Ông Nghĩa lo lắng, nếu chẳng may người nông dân bón cả 25 kg đó vào đất không biết bao giờ mới xử lý được hết những tồn dư, hậu quả để lại trên đất, trên nông sản và tầng nước ngầm (nhu cầu các chất vi lượng này chỉ cần từ 1-5kg/ha/vụ).
Vì vậy, hơn lúc nào khác, đây chính là thời điểm để các nhà khoa học, nhà quản lí nông nghiệp lên tiếng nói rõ những mặt tích cực, hạn chế của từng loại phân bón và đưa ra những khuyến cáo xác đáng cho từng vùng đất và cây trồng.
Báo NNVN từng có bài viết phản ánh việc sản phẩm phân bón trung lượng Silic – Silicamon Đông Sơn của Cty TNHH Limex Việt Nam và Silic Silicamon 8 quả đào của Cty TNHH TM & SX Hùng Ngọc dùng kết quả phân tích hàm lượng SiO2 tổng số tại Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) để đi quảng cáo với khách hàng nông dân. Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên lần này, chúng tôi tiếp tục thấy DN này còn chụp cả hình TS Cao Kỳ Sơn (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) từ màn hình chương trình trên kênh truyền hình VTC16 treo lên pano quảng cáo dùng phân này giúp giảm 50% lượng đạm urê, 40% lân và 30% kali… |
Theo báo Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vi-sao-loan-phan-bon-trung-vi-luong-d153504.html
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.