Bữa ăn của thú ở Thảo cầm viên Sài Gòn được lấy từ trang trại khổng lồ
Nguồn: Báo Thanh niên – 04/10/2020
Ít người biết rằng một phần nguồn thức ăn của thú tại Thảo cầm viên Sài Gòn (Q.1, TP.HCM) được cung cấp từ chính bàn tay của những công nhân miệt mài làm việc ở nơi cách trung tâm thành phố khoảng 40km.
Công nhân miệt mài làm việc để cung cấp nguồn thực phẩm cho thú ở Thảo cầm viên Sài GònẢnh: Trần Kim Anh
Chuyến xe xuyên màn đêm
Khoảng 9 giờ, chuyến xe tải chở rác, thức ăn… từ Thảo cầm viên Sài Gòn đến công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi, TP.HCM) bắt đầu chuyển bánh. Công viên Sài Gòn Safari có khoảng 50 ha đất dùng để trồng cây, cỏ, rau, thực phẩm… phục vụ Thảo cầm viên Sài Gòn. Công viên này được thành lập từ năm 2008, đến nay có 5 tổ chính gồm: Hoa, Cỏ – Lá, Rau, Kiểng và tổ Chăm sóc động vật. 10 năm nay, người đàn ông chuyên lái chiếc xe tải này là ông Chí Tâm (50 tuổi, ngụ huyện Củ Chi). Mỗi ngày từ 2 giờ sáng đến 11 giờ trưa, ông Tâm di chuyển từ Củ Chi về quận 1 và sau đó quay ngược lại. Bên cạnh chuyến xe này của ông Tâm, Thảo cầm viên Sài Gòn còn bố trí một chuyến xe trọng tải lớn hơn và di chuyển vào ban đêm. “Chiếc xe tải này là do phía Thảo cầm viên cung cấp, còn tôi là người lái xe mỗi ngày. Khác với mọi người, tôi bắt đầu công việc từ 2 giờ sáng. Lúc này, tôi điều xe lên công viên ở Củ Chi để anh em chất hàng hóa như cỏ, lá, hoa. Sau đó, tôi lái xe chở hàng hóa tới Thảo cầm viên Sài Gòn, giao xong, đến khoảng 9 giờ tôi lại từ quận 1 về Củ Chi, chuyến này tôi chở theo rác, một số thức ăn, có khi là cả những con thú”, ông Tâm kể.
Văn phòng làm việc của nhân viên hành chính tại công viên |
Nơi để máy móc và dụng cụ làm việc của công nhân tổ Rau |
Thú ở Thảo cầm viên vẫn cần thực phẩm, những chuyến xe băng qua màn đêm của ông Tâm vẫn không ngừng lăn bánh. Ông Tâm kể rằng, công việc lái xe chở thực phẩm cho thú của ông luôn lặp lại trên những tuyến đường quen thuộc. Phần nào giấc ngủ của ông cũng bị ảnh hưởng, đã có tuổi nên đôi khi ông mệt mỏi nhưng vì vẫn còn rất yêu công việc, chỉ cần còn sức ông vẫn tiếp tục lái xe. Bên cạnh những chuyến xe cố định, khi Thảo cầm viên Sài Gòn nhận thêm những con thú, ông Tâm chính là người tham gia vận chuyển đưa chúng về “nhà chung”. “Tôi chỉ phụ giúp anh em bắt các con thú rồi chuyển lên xe, hay thỉnh thoảng tôi cũng vào khu nuôi thú để cho chúng ăn. Dù không trực tiếp chăm sóc nhưng vì thường gặp các con thú nên dần dần tôi có tình cảm với chúng”, ông Tâm chia sẻ.
Đường vào khu vực làm việc của công nhân tại công viên Sài Gòn Safari |
Để có hàng hóa, thực phẩm cho chuyến xe lúc 2 giờ sáng được lăn bánh đều đặn phải kể đến công sức của nhóm công nhân tổ Cỏ – Lá. Anh Tấn Tài (40 tuổi) hiện đang là tổ trưởng tổ Cỏ – Lá tại công viên Sài Gòn Safari. Với kinh nghiệm làm việc hơn 15 năm, anh Tài cùng 7 công nhân nam còn lại trong tổ mình bắt đầu công việc từ 2 giờ sáng mỗi ngày. Họ chất cỏ lên xe để chở về Thảo cầm viên Sài Gòn, sau đó nghỉ ngơi. Họ tiếp tục quay lại làm việc vào buổi sáng, lúc này là cắt cỏ, thu hoạch lá… “Công việc ở tổ khá nặng, đặc biệt tổ Cỏ làm thêm thời gian lúc 2 giờ sáng để kịp chuyến xe sớm nên trong tổ không có nữ. Tuy nhiên khi làm ca sớm này tổ sẽ phân chia công nhân thay phiên nhau, mỗi đêm 4 người để luôn đảm bảo sức khỏe. Còn tôi là tổ trưởng tôi dành khoảng 70% thời gian để làm chung với anh em, còn 25-30% thời gian tôi làm các giấy tờ”, anh Tài chia sẻ.
Những loại rau quả được trồng chủ yếu phục vụ các loài thú |
Rau, củ, quả ở tổ Rau hạn chế sử dụng các loại phân bón, chất hóa học |
Yêu cuộc sống gần thiên nhiên
Không gian công viên Sài Gòn Safari rộng, khá vắng vẻ và các tổ ở cách xa nhau, tuy nhiên các công nhân luôn đúng giờ, chủ động và hoàn thành tốt công việc của mình. Tổ trưởng tổ Rau – Kiểng tại công viên Sài Gòn Safari hiện tại là chị Lưu Thị Dung. Tốt nghiệp ngành Nông học, với kinh nghiệm 6 năm làm việc trong ngành, chị Dung cho rằng sống và làm việc với cây như bản năng, niềm đam mê và sở thích của chị. Cụ thể, công việc mà chị Dung và những công nhân tổ kiểng sẽ thực hiện bao gồm: làm cỏ, làm trụ giá thể, cắt ươm, chăm sóc cây, bón phân, tưới nước, đóng gói, chuyển cây để mang đi… Mỗi tháng, tổ sẽ sản xuất từ 7.000 – 10.000 cây cảnh, đa số cây được chuyển về Thảo cầm viên Sài Gòn để trang trí. “Gốc gia đình mình làm nông ở tỉnh Trà Vinh nên mình đã thích trồng, chăm sóc cây từ nhỏ. Ra trường, mình về đây làm đến tận bây giờ. Khi làm việc với cây cối cũng là khi mình sống xa dần với thành phố. Mình thích điều này bởi mình và có lẽ nhiều anh chị khác cũng vậy, đều không thích cuộc sống nhộn nhịp mà muốn gắn bó, gần gũi với thiên nhiên hơn. Thêm vào đó, nhiều nơi trồng cây chú trọng phương pháp kích thích để cây phát triển nhanh còn mình thường cố gắng để cây tự nhiên nhất có thể. Khu mình làm việc khá cách xa so với đường chính, khi trời mưa đường sá không được thuận lợi hay khi ươm cây gặp mưa cũng ảnh hưởng một phần nhưng điều đó không khiến mình chán”, chị Dung bộc bạch.
Nguồn nước tưới chủ yếu cho thực vật ở đây là từ nguồn nước ngầm |
Đúng 14 giờ, công nhân tổ rau bắt đầu công việc |
Bên cạnh quản lý tổ Kiểng, chị Dung còn kiêm tổ trưởng tổ Rau, nơi cung cấp thực phẩm đều đặn mỗi ngày cho thú tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Được biết tổ Rau sản xuất khoảng 20 loại, mỗi ngày thu hoạch khoảng 200kg và các biện pháp thâm canh, gối vụ diễn ra quanh năm để luôn đủ thực phẩm cung cấp cho thú. Đặc biệt tổ Rau còn có vườn thủy canh trồng các loại rau cải, xà lách, dưa leo… nhằm phục vụ cho công nhân tại đây và phục vụ những buổi tham quan của các đoàn học sinh.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.