NHẬT KÝ CỨU HỘ VOỌC CHÀ VÁ CHÂN XÁM
NHẬT KÝ CỨU HỘ VOỌC CHÀ VÁ CHÂN XÁM
Buổi sáng chủ nhật thanh bình, với lịch trực tại xí nghiệp động vật (vốn dĩ đơn vị hoạt động 7 ngày/tuần, nhằm đảm bảo kiểm soát & hỗ trợ kịp thời các vấn đề liên quan tới sức khỏe của hơn 135 loài động vật được nuôi dưỡng tại TCV) và lịch dạy học chương trình “TIẾT HỌC NGOÀI NHÀ TRƯỜNG TẠI THẢO CẦM VIÊN” đã được lên kế hoạch trước, thì chuông điện thoại reo, “Chuẩn bị đồ dùng cần thiết để đi cứu hộ voọc chà vá chân xám nghe em, 10h00 xuất phát”. Thông tin từ Phòng Kỹ thuật cơ bản nhẹ nhàng là vậy nhưng khối lượng công việc kèm theo thì không ít chút nào. Bạn phải chuẩn bị cơ số dụng cụ, thuốc men, trang thiết bị chuyên dụng cho việc xử lý những vấn đề liên quan đến sức khỏe, vận chuyển động vật,… đồng thời liên hệ với tổ chăn nuôi để chuẩn bị chuồng trại, máng ăn, máng uống,… đầy đủ, để tiếp nhận thú khi đoàn quay trở về đơn vị cũng như nhờ một đồng nghiệp khác tăng cường vào vị trí ca trực của mình, và không quên gọi điện thoại về cho gia đình.
Bản thân tham gia công tác cứu hộ, tiếp nhận động vật hoang dã cũng ngót 5 năm, biết bao nhiêu lần đi vôi vã, nhưng mỗi lần nhận được lệnh đi cứu hộ, cảm giác vẫn cứ lâng lâng khó tả, lo cho tiến độ công việc, lo cho sức khỏe con vật, lo cho những vấn đề bất chợt xảy ra ngoài kế hoạch,… nhưng trên hết là niềm tự hào vì mình tham gia một công việc đầy ý nghĩa.
10h00 xe lăn bánh, thời tiết Sài Gòn xanh trong là thế nhưng nhanh chóng chuyển sang xám xịt và mưa phùn trên suốt quãng đường còn lại, xe chúng tôi vẫn tiến nhanh về phía trước, với mục tiêu tiếp cận và thực hiện ca cứu hộ sớm nhất có thể, đem lại cơ hội sống sót, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con vật và trên hết là thông qua những việc làm nho nhỏ của chúng tôi góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của những loài động vật hoang dã đang ngày càng nguy cấp.
Sáng sớm ngày hôm sau, chúng tôi có mặt tại nơi lưu giữ cá thể voọc chà vá chân xám này, qua kiểm tra lâm sàng nhận thấy có một vết thương rất sâu ngay cổ chân phải sau, vết thương đã bị mất da hoàn toàn, ăn vào trong mô thịt, mặt trong đã ăn vào tận xương (loại vết thương gây ra bởi bẫy treo thòng lọng bằng dây cáp, chuyên dùng để bẫy các loài thú nhỏ, thú móng guốc), bên cạnh đó chúng tôi nhân thấy cá thể này đang có biểu hiện căng thẳng, luôn ngồi thu mình vào một góc, quay lưng ra ngoài (một biểu hiện thường thấy trên loài linh trưởng khi bị bắt, bị bẫy, lạc mất bầy đàn).
Hội ý kỹ thuật, các quyết định cần thiết để chăm sóc sức khỏe cho cá thể voọc này được đưa ra và được thực hiện nhanh chóng, bên cạnh đó là việc hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định của pháp luật.
Hoàn tất các thủ tục, cảm ơn các đơn vị chức năng đã nhiệt tình giúp đỡ, xe chúng tôi lại hối hả lăn bánh quay về Sài Gòn, trên đường về sức khỏe của bạn ấy liên tục được theo dõi, vì đang bị Stress nên bạn ấy rất kén ăn, phải là những chồi non thật tươi, phải là những loại lá thật thích, phải là những lời nói, cử chỉ dỗ dành, vỗ về thì mới chịu ăn. Thức ăn của bạn ấy là các loại lá cây phù hợp được hái ở ven đường (Bằng lăng, Dâu, Khế, Dâm bụt, Đinh lăng,…), cứ độ 2 – 3 tiếng là chúng tôi lại kiếm một đợt lá non mới tươi ngon (loài này đặc biệt thích ăn lá non, những lá cũ, héo chúng không bao giờ ăn).
Bác sĩ Thú y điều trị vết thương bị dính bẫy, ăn sâu tới tận xương cho cá thể Voọc chà vá chân xám.
Xe chạy xuyên đêm, hơn 4 giờ sáng ngày thứ 3 xe chúng tôi có mặt tại Sở thú (đa phần trong các đợt cứu hộ thú thì sau khi nhận thú xong chúng tôi cố gắng trở về đơn vị sớm nhất có thể, vì thế chúng tôi chủ yếu sinh hoạt trên xe, mượn trạm xăng làm nơi tắm rửa, mệt quá thì thay phiên nhau chợp mắt), sau khi đưa thú vào khu vực Thú y xá, chúng tôi tranh thủ chợp mắt một chút sau chuyến đi dài và chuẩn bị cho một ngày làm việc tiếp theo.
Vết thương đang lành, một cuộc sống mới bình yên bắt đầu.
Công việc cứu hộ vẫn chưa dừng lại ở đó, sau khi động vật được đưa vào khu Thú y xá để cách ly kiểm dịch & tiếp tục công tác điều trị bệnh, kiểm soát Ký sinh trùng, chăm sóc thú y đến khi nào cá thể đó phục hồi hoàn toàn về mặt sức khỏe thì sẽ được họp bàn kỹ thuật, đánh giá tổng quát lần cuối trước khi đưa về chuồng nuôi. Lúc này mới thật sự là kết thúc một đợt cứu hộ thành công và cũng là một sự khởi đầu mới cho cá thể voọc chà vá chân xám này.
Không lâu sau đó, chúng tôi tiếp tục thực hiện cứu hộ thành công cá thể voọc chà vá chân xám đực đưa về chăm sóc nuôi dưỡng tại Thảo Cầm Viên Sài gòn. Và thành quả của chúng tôi được ghi nhận khi từ 2 cá thể cứu hộ trên, chúng tôi đã cho ghép đôi sinh sản thành công thế hệ đầu tiên của chúng, một cá thể voọc con giống cái ra đời từ sự quan tâm, chăm sóc của đội ngũ Cán bộ kỹ thuật, sự ủng hộ động viên từ Ban lãnh đạo Công ty. Tất cả trên tinh thần cùng tìm kiếm và tạo điều kiện tốt nhất cho công tác chăm sóc, bảo tồn động vật hoang giã
BSTY Nguyễn Bá Phú.
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.